Ghi chép ở Mỹ: Trường và đời sau cổng ĐH - Kỳ II  
 

(03/03/2007) Lớp học có 5 SV nhưng tới 3 giảng viên; lớp học 30 SV từ 10 quốc tịch khác nhau, vừa "ăn" vừa học... Hầu như ở đâu, những giờ học sôi nổi, những cuộc tranh luận nảy lửa là cảnh tượng tôi gặp khắp các lớp học mà tôi chọn ngẫu nhiên, không có sự chủ định, chỉ để "nghe cho biết".

Khu nhà ở dành riêng cho sinh viên năm nhất của ĐH Pennsylvania. Ảnh: K.L

Kỳ I: Vị thế SV: Đã thấy ngay từ cổng
Kỳ II: "Đột nhập" giảng đường ĐH Mỹ

"Tại sao nước Mỹ là số 1?"

Hai ngày sau khi đến New York, chưa kịp quen với sự đảo lộn ngày đêm, tôi theo Tuấn - SV Việt Nam đang học năm 1 tại ĐH St John's - vào tiết học về lịch sử nước Mỹ.

Ngồi chưa ấm chỗ đã giật mình vì câu hỏi của giáo sư đứng lớp "Tại sao nước Mỹ là số 1". Không khí lớp học sôi nổi (nếu ở Việt Nam sẽ bị bình luận là "giống vỡ chợ") với đủ thứ ý kiến, xem ra khá già so với những gương mặt trẻ măng không chỉ đến từ khắp nơi trên đất Mỹ mà còn cả châu Á, châu Phi.

Nào là "nước Mỹ có nhiều tiền", "nước Mỹ chú trọng phát huy năng lực cá nhân", "nước Mỹ quản lý tốt", nước Mỹ biết sử dụng nguồn lực của cả thế giới, nước Mỹ đa chủng tộc, nước Mỹ biết thỏa hiệp, thậm chí là… "nước Mỹ ích kỷ, mỗi người đều coi trọng lợi ích cá nhân trước hết".

Cũng không thiếu những ý kiến rất ngược chiều như "Em không nghĩ nước Mỹ là số 1. Sống ở đây rất căng thẳng, và ai cũng phải lao theo để kiếm tiền" hay "Nước Mỹ mạnh nhất về khoa học công nghệ và kinh tế thôi, còn văn hóa thì không".

Phủ định gây sốc để gợi mở tư duy

Trao đổi với giáo sư đứng lớp sau giờ học, rằng cách đặt câu hỏi như thế liệu có hơi khiêu khích không, bởi trong lớp học không chỉ toàn người Mỹ? Câu trả lời nhận được là "Chính vì có SV quốc tế nên tôi mới đặt câu hỏi ấy. Cái tôi mong nhận được là những câu trả lời phủ định mạnh mẽ gây sốc hơn. Dù sao, các em mới chỉ là SV năm nhất.". Hỏi ra, chính ông cũng không nghĩ nước Mỹ là nhất, bởi cái nhất kia xem ra quá mơ hồ.

Những ngày tiếp theo lang thang ở các giảng đường, các lớp học lớn - nhỏ từ New York sôi động đến Washington thanh bình, từ Boston lãng mạn đến Philadelphia cổ kính, tôi càng hiểu hơn lời của vị giáo sư dạy lịch sử kia.

Những giờ học sôi nổi, những cuộc tranh luận nảy lửa là cảnh tượng tôi gặp khắp các lớp học mà tôi chọn ngẫu nhiên, không có sự chủ định, chỉ để "nghe cho biết".

Từ những ĐH nổi tiếng được cả thế giới biết tên như Harvard, MIT, Columbia đến những trường luôn nằm trong top các bảng xếp hạng của thế giới dù có thể ít được quan tâm hơn (tại Việt Nam) như Johns Hopkins University, University of Pennsylvania.

Cả ở những trường nằm trong top 100 của Mỹ nhưng ít được biết đến trên thế giới, như Georgetown University, George Washington University ở Washington DC hay Boston College, Tufts University ở Boston, tình cảnh cũng không khác nhiều.

- Bạn cùng lớp em phàn nàn vì ba giảng viên hướng dẫn mải tranh luận, làm mất thời gian của sinh viên.

- Lớp học có ba giảng viên? Vậy có bao nhiêu sinh viên?

- Năm người.

(Trò chuyện với Thu Hiền, SV cao học chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH St John's)

Những giờ học Toán, Lý trên các giảng đường lớn cả trăm người - mà theo cách nghĩ của nhiều sinh viên Việt Nam là chẳng có gì để tranh luận - sinh viên học ở Mỹ vẫn nhiều người "chẳng chịu ngồi yên", vẫn truy hỏi thầy đến cùng, rồi gật gù có vẻ rất tâm đắc.

Không khí giảng đường nhờ thế đỡ đi sự buồn ngủ, bởi không phải giảng viên nào cũng có giọng nói sôi nổi, và không phải nội dung giảng dạy nào cũng đủ hấp dẫn để giữ sinh viên ngồi yên trên ghế. Chẳng thế, nhìn quanh cũng thấy những cái ngáp dài, những vụ hí hoáy, và cửa vào giảng đường thì mở ra đóng vào liên tục cho các cô cậu vào muộn ra sớm.

30 sinh viên-10 quốc tịch vừa "ăn" vừa học

1h trưa. Mang lá thư giới thiệu của anh Ngọc Anh, nghiên cứu sinh của trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc ĐH Harvard, tôi rụt rè vào nghe "ké" giờ học "Becoming Persuasive: The route to effective leadership" (Tạm dịch: Tăng cường khả năng thuyết phục để lãnh đạo hiệu quả).

Chỉ nghe tên đã thấy thích, và sau hơn 60 phút thì tôi ước mình được là sinh viên của lớp học không đến 30 sinh viên nhưng cũng không dưới 10 quốc tịch khác nhau này. Ghế xếp theo hình vòng cung, mỗi người một bảng tên trước mặt. Sinh viên vừa trao đổi với giáo sư vừa... uống cà phê, trà, nước ngọt, thậm chí ăn trưa. Thoải mái vừa nhai vừa nói, trò ngồi trong khi giáo sư đứng.

Cách ghi chép thì muôn hình vạn trạng, một tờ giấy, một cuốn vở, một máy tính xách tay hay thậm chí một máy tính bỏ túi nhỏ xinh. Học về kỹ năng thuyết phục mà cả lớp hết được ăn thử dưa góp lại được nghe đàn violin.

Những bài học cuộc sống được đưa vào qua những câu chuyện, rằng cùng một nguyên tắc vật lý sẽ tạo ra những thành tựu y học hạt nhân cứu người hay bom nguyên tử hủy diệt cuộc sống, rằng dù không có tài năng trời phú thì qua tập luyện, ta cũng tốt hơn chính mình ngày hôm qua.

Không khí lớp học thì thoải mái, vui nhộn như thế, nhưng nhìn vào chương trình học, những yêu cầu với sinh viên và những bài tập phải làm thì... toát mồ hôi hột. Ba cuốn sách với hơn 1000 trang sách phải đọc trước khi lên lớp, 3 bài viết phải nộp, chưa kể phải tham gia nhiệt tình trong lớp học suốt cả học kỳ, vì tới 35% điểm số được quyết định bởi việc đến lớp và "nói chuyện" trong lớp. Những thông tin chi tiết về môn học như thế đã được cập nhật trên mạng của trường trước khi khóa học bắt đầu khá lâu, sinh viên có đủ thời gian quyết định có muốn... học cách thuyết phục không?

Chẳng thế mà những sinh viên Việt Nam từ già đến trẻ đang theo học ở các đại học lớn của Mỹ mà tôi có dịp trao đổi đều cho rằng cái được lớn nhất của họ là biết cách nghiên cứu và tự học, biết nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh.

Vừa ôn bài, vừa thảo luận nhóm, vừa nghỉ ngơi. Ảnh: K.L

"Quyền" được thiết kế bằng cấp

Các cô, cậu sinh viên tha hồ bay bổng trong việc chọn ngành. Mỗi trường lớn có đến vài chục ngành sẵn có, nhưng sinh viên không bắt buộc phải chọn một ngành trong số đó, mà có thể chọn 2 hoặc 3 ngành, thậm chí tự tạo ra một chuyên ngành mới.

Nếu 2 chuyên ngành quá khác nhau thì số môn bạn phải học sẽ nhiều gấp rưỡi, bạn sẽ phải học chăm hơn, hoặc... gắn bó với trường lâu hơn. Còn thì, mọi đòi hỏi đều được đáp ứng, trường nào cũng khẳng định như thế.

Chưa hết, dù phải chọn ngành học từ cuối năm thứ nhất, đầu năm thứ hai, nhưng sinh viên sẽ được quyền đổi ngành bất cứ lúc nào mà không gặp bất cứ khó khăn nào, chỉ cần hoàn thành đủ các khóa học được yêu cầu là có thể tốt nghiệp. Chẳng thế mà nhiều sinh viên đổi ngành vào năm cuối mà vẫn kịp tốt nghiệp đúng thời hạn.

Như chính Hồng Nhung - sinh viên năm 3 ĐH Harvard - thú nhận với tôi: "Trước khi sang Mỹ, em nghĩ mình muốn học truyền thông. Cuối năm thứ nhất, em chọn Châu Á học làm chuyên ngành chính của mình. Nhưng trong các môn tự chọn có quản lý nhà nước, em học và thấy thích, vậy là đến năm thứ 2 lại chuyển ngành". Không biết Nhung có chuyển ngành nữa không? Nhưng được trải nghiệm và tiến dần hơn đến niềm đam mê của mình là mơ ước của biết bao bạn trẻ? Có phải vì thế mà người Mỹ dễ thành công?

Lại nhớ lời Thu Hiền, sinh viên cao học chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH St John's. Khi tôi hỏi Hiền về sự khác biệt của đại học bên này so với ở Việt Nam, Hiền bảo: "Ở bên này, sinh viên là trung tâm". Được là trung tâm của những trường đại học hàng đầu, thật thích.

Khánh Linh
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Ghi chép ở Mỹ: Trường và đời sau cổng ĐH - Kỳ IPhát súng đầu tiên trên con đường hội nhập giáo dục
Phá thế độc quyền để đào tạo theo nhu cầuGiáo dục Singapore: "Nới lỏng" để "khóa chặt"
Lý Quang Diệu và những bài học mang tới VNÔng Lý Quang Diệu: "Cần tư nhân hoá giáo dục"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11