(Post 01/06/2012) Trong phòng trọ nhỏ xíu ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), Minh - cựu sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội - ngồi cả tiếng mân mê tấm bằng đại học. Cuối cùng, cô bọc nó cẩn thận rồi nhét xuống đáy vali. Chỉ chút nữa thôi, cô sẽ đến một nơi ở mới làm công việc không cần bằng cấp... Tại mỗi phiên giao dịch việc làm ở Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội có khoảng vài nghìn người tham gia, mong muốn có được một công việc không kể là cần bằng cấp hay lao động phổ thông. Ảnh: Phan Dương | |
Minh sinh ra ở vùng biển Thanh Hóa. Trước đây, cô học rất giỏi, từng đậu hai trường đại học. Nhưng rồi cô quyết định bỏ ngành tài chính ngân hàng để theo học ngành bảo vệ thực vật của Đại học Nông nghiệp I, niềm ước ao từ lâu. "Em bỏ qua tất cả lời can ngăn của gia đình, bạn bè để đi theo ngành thực vật. Những tưởng ra trường sẽ xin được việc, nhưng rồi gần một năm ở quê mòn mỏi chờ việc đã làm em chán nản", Minh kể. Từ ngày ra trường về quê, cô đã thử xin vào văn phòng nông nghiệp của xã, huyện, nhưng càng chờ không có cơ hội. Trong khoảng thời gian ấy, cô vẫn làm những công việc đồng áng giúp gia đình. Nhiều khi những lời hỏi thăm vô tình, vô ý của người xung quanh làm cô gái trẻ chạnh lòng. "Hàng xóm cứ nói em học nông nghiệp về làm nông thì hợp quá đi rồi khiến em đau lòng lắm. Cộng với chuyện việc chẳng thấy đâu càng thôi thúc em ra đi", Minh tâm sự. Cuối cùng, Minh lại ra thủ đô tìm việc. Cô kiếm một căn phòng giá rẻ, chi tiêu tiết kiệm hết sức và hạ quyết tâm phải tìm việc trong vòng một tháng. Nhưng hơn một tháng đã qua, đáp lại nỗ lực của cô chỉ là sự phũ phàng "bặt vô âm tín" của nhà tuyển dụng. "Nền kinh tế khủng hoảng nên tìm việc khó quá, ngành em theo học càng ít việc hơn. Suốt một tháng loăng quăng đi tìm không được, em quyết định sẽ đi làm công nhân khu công nghiệp Sam Sung", cô chua chát nói. Bây giờ, Minh đang dọn đồ chuyển vào sống trong khu kí túc xá của công nhân ở Bắc Ninh để tiết kiệm chi phí. Chiều nay, cô sẽ có ca làm việc đầu tiên. "Đường cùng rồi em mới phải chọn đi làm theo cách này. Sang bên đó, người ta có hỏi làm gì trước đó, chắc em cũng sẽ dối là đã từng làm công nhân trong Nam, ngoài Bắc chứ không thể nói mình học đại học ra được", Minh sầu não. Không khá hơn Minh là bao, Thu Trang – Đại học Lao động xã hội cũng từng trải qua đủ thứ nghề lao động phổ thông dù rằng cô tốt nghiệp đại học loại khá. Mấy tháng ra trường vẫn thất nghiệp, Trang và các bạn cùng cảnh ngộ hùn vốn mở một shop bán quần áo qua mạng. Được hai tháng, vốn bỏ ra cũng mất tiêu, cả nhóm lại rơi vào tình cảnh xin trợ cấp từ gia đình. May thay lúc ấy qua người quen, Trang được nhận về một công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển bảo vệ. Làm không được mấy thời gian với đồng lương còm cõi, cô lại phải dứt áo ra đi. Kế đó, lại nhờ quen biết mà Trang có được công việc là nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên cung cấp cửa kính. "Thân con gái mà cả ngày đến các công trường, các khu nhà đang xây để giới thiệu mặt hàng đã thấy vất vả. Đằng này tôi chạy xe cả tháng mà không có được một cái hợp đồng nên hoa hồng không có, tiền lương cũng chẳng thấy đâu. Cuối cùng, tôi cũng bỏ việc đi bán hoa quả", cô tâm sự. Lận đận theo công việc này một thời gian, Trang cũng bỏ nốt vì theo cô "tiền lương được tính là 8.000 đồng/giờ. Làm cả tháng không đủ sống. Bố mẹ biết tôi vất vả bắt bỏ việc ấy luôn". "Hiện tại, tôi đi làm thu ngân trong siêu thị, tiền lương cũng tính theo ca, mỗi ca 6 giờ. Nghe đâu một giờ được mười mấy ngàn đồng gì đó. Dù chăm chỉ, làm tăng ca nhưng chắc cả tháng cũng chỉ được gần 3 triệu đồng. Dù sao như thế vẫn còn tốt vì ở đây họ đóng bảo hiểm cho mình", cô nói. Dù vậy, do thời gian đầu chưa quen với công việc thu ngân, Trang còn tính nhầm. Cô phải lấy lương ra bù, thành thử chẳng nhận được là bao. Ghé thăm một lều lán công nhân ở khu vực Cổ Nhuế, không hiếm để thấy những khuôn mặt thư sinh đi phụ hồ. Nguyễn Văn Hưởng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) là một trường hợp như vậy. Hưởng lặn lội vào Nam theo học ngành Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Tốt nghiệp năm 2010 nhưng cũng đồng thời thất nghiệp, từ đó đến nay, cậu đã đi làm nhiều công việc chân tay để kiếm sống. Hưởng nói: "Tôi ở trong Nam hết chạy xe ôm, bán café rồi làm công nhân các khu công nghiệp. Thỉnh thoảng lướt web gửi hồ sơ xin việc nhưng không thấy hồi âm. Cách đây hai tháng, tôi ra Hà Nội kiếm một công việc lao động phổ thông cho gần nhà, gần cửa". Nói về chuyện có bằng đại học đi phụ hồ, Hưởng cho biết: "Ngành tôi theo học ra trường khó kiếm việc lắm. Cả lớp tôi hơn 100 người mà chỉ được vài người dựa cơ gia đình là có chỗ, còn lại cứ làm lung tung hết. Tôi biết sức mình yếu, cũng định kiếm một việc phù hợp với bằng cấp nhưng hai năm qua không kiếm được. Giờ đây, tôi đành quăng cái bằng cử nhân vào góc tủ". Làm được một tháng nhưng chưa thấy trả lương, Hưởng cũng hoang mang không biết mình được trả bao tiền. Hằng ngày, cậu đi làm rồi về ăn, ngủ, sống trong lều lán cùng những công nhân xây dựng…, nhưng chẳng ai quan tâm chàng thư sinh như Hưởng có bằng đại học vì ở đó đã từng có vài người như thế. Bà Lương Phương Oanh - Giám đốc một trung tâm chuyên cung cấp osin và lao động phổ thông ở đường Kim Liên (Hà Nội) cho biết: "Có nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường như Đại học Lao động xã hội, Đại học Công đoàn đến đây tìm các việc như làm osin, bán hàng, làm tạp vụ, pha café… nhưng nhiều khi chúng tôi cũng không dám nhận các bạn ấy vào làm việc". Còn theo một chuyên viên của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội thì hiện có rất nhiều sinh viên mới ra trường bị thất nghiệp, nhất là sinh viên ngoại tỉnh muốn bám trụ ở Hà Nội. "Nếu muốn đi làm ngay bắt buộc các bạn ấy phải làm trái nghề. Ví như học kế toán thì có thể làm thu ngân, bán hàng, làm kho, nhân viên kinh doanh hoặc làm nhân sự. Thậm chí nếu không tìm được công việc thì chúng tôi cũng tư vấn cho các bạn nên tìm một công việc lao động phổ thông phù hợp". Tình trạng thiếu việc làm đã trở nên ngày càng phổ biến. VnExpress.net đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ trong 4 ngày qua. Theo đó, trong số hơn 4 nghìn người được hỏi, có đến hơn 30% cho biết đã mất việc, trên 10% tiết lộ vẫn chưa có việc kể từ khi ra trường. FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT |
|
Phan Dương (theo VnExpress) Tin liên quan: |