Song A-Hyun đã từng tự tin rằng cô sẽ nối bước cha mình: Tốt nghiệp một trong những trường danh giá nhất Hàn Quốc, tìm được công việc tốt ở một công ty hàng đầu và có một sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên, ước mơ của cô gái 23 tuổi này vẫn chỉ là ước mơ. Một năm qua, với tấm bằng ĐH danh tiếng cô đã gửi đi hơn 40 thư xin việc và đều bị từ chối... Có quá nhiều cử nhân có bằng cấp tốt, kinh nghiệm tốt ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa | |
Tấm bằng tốt nghiệp từ trường đại học dành cho những cô gái xuất sắc nhất ĐH Ewha, điểm trung bình cao, một năm học tại Hồng Kông theo chương trình trao đổi sinh viên, kĩ năng tiếng Anh hoàn hảo và 2 kì thực tập sinh vẫn là chưa đủ để có được một công việc. "Ai cũng có điểm trung bình tốt, tiếng Anh tốt và đều có từ 1 tới 2 kì thực tập. Vì thế, CV của tôi chẳng có gì đặc biệt hơn họ" - Song chia sẻ với AFP - "Tôi phải làm việc rất chăm chỉ để đạt được tất cả những bằng cấp này, tuy nhiên có quá nhiều người như tôi và có quá ít việc làm cho chúng tôi". Song là một trong số rất nhiều người trẻ Hàn Quốc có bằng cấp nhưng đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng tồi tệ và sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh. Sự quan tâm của người Hàn Quốc đối với giáo dục từ lâu đã được xem như là một tác nhân giúp quốc gia này đi từ một đất nước nghèo khó cùng cực sau chiến tranh thành một cường quốc kinh tế. Trẻ em Hàn Quốc dành tuổi thơ của mình để học tập với mong muốn có được một chỗ đứng trong những trường đại học danh tiếng, hay ít nhất là những trường cao đẳng. Nó được coi như một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, vị trí xã hội, thậm chí là triển vọng hôn nhân. Những trường đại học được gọi là "cao chót vót" như ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc và ĐH Yonsei là những trường uy tín nhất ở đất nước này. Trước tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng cao, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một chiến dịch khuyến khích người trẻ không học đại học, cao đẳng. Giải pháp này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thuê người tốt nghiệp phổ thông nhiều hơn. Năm ngoái, có khoảng 72% học sinh tốt nghiệp phổ thông học đại học, cao đẳng – thấp hơn con số kỷ lục 83,8% của năm 2008 một chút, tuy nhiên đây vẫn là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, những công việc được nhiều người mong mỏi đang giảm dần do nhiều người trẻ không mặn mà với những công ty vừa và nhỏ, đưa ra mức lương thấp hơn. Cử nhân chê công ty nhỏ Những tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai... là niềm mơ ước của nhiều cử nhân, tuy nhiên những "ông lớn" này chỉ chiếm 10% thị trường việc làm ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa | |
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đã nhiều lần kêu gọi sinh viên đại học hạ thấp tiêu chuẩn tìm việc và tìm đến những công ty ít được biết đến. Thậm chí, ông còn đề xuất thiết lập một chỉ tiêu tuyển dụng người tốt nghiệp phổ thông cho các cơ quan Chính phủ - một biện pháp nhằm khuyến khích người trẻ đi làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, thay vì đi học đại học mà không có mục tiêu rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Hàn Quốc đang ở mức thấp – khoảng 3%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của những người ở độ tuổi từ 25 tới 29 thì cao hơn gấp đôi. Trong quý thứ 2, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, số cử nhân thất nghiệp – ước tính khoảng 373.000 người – đã nhiều hơn số lao động phổ thông thất nghiệp. Thậm chí, tại ĐH Quốc gia Seoul, gần 30% Tiến sĩ thất nghiệp vào năm 2011 so với khoảng 15% cách đây 2 năm. Những công ty tên tuổi đang tuyển dụng hoặc hứa hẹn sẽ tuyển dụng nhiều người tốt nghiệp phổ thông hơn và tiến cử họ vào những vị trí cao hơn. Năm nay, Samsung thuê khoảng 700 nhân sự tốt nghiệp phổ thông cho những vị trí văn phòng – một động thái hiếm hoi. SK Group tuyên bố sẽ tuyển những người có trình độ phổ thông cho 2.100 vị trí – chiếm 30% nhân sự của năm nay. Những công ty hàng đầu khác như LG và Hyundai Motor cũng công bố kế hoạch tuyển nhiều nhân sự tốt nghiệp phổ thông hơn trước đây. "Có bằng cấp là một điều tốt, nhưng ở đất nước này, số người có bằng cấp nhiều hơn so với số công việc thích hợp với họ" - ông Kim Hi-Sam, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hàn Quốc nói với AFP. "Những tập đoàn như Samsung, LG hay Hyundai chỉ chiếm 10% thị trường việc làm của chúng tôi… nhưng khi hỏi các cử nhân, họ đều nói họ xứng đáng được làm việc ở những công ty hàng đầu này, nhất định không thể là những công ty thấp hơn". Trong một báo cáo gần đây, Bộ Lao động Hàn Quốc cảnh báo, tới năm 2020 sẽ thiếu khoảng 500.000 việc làm cho các cử nhân và thừa khoảng 320.000 việc làm cho người tốt nghiệp phổ thông. Bộ này cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy thanh niên bước vào thị trường việc làm sớm hơn nhằm cắt giảm số lượng cử nhân, đồng thời giảm bớt sự phân biệt đối xử trong việc trả lương và thăng tiến đối với lao động phổ thông. Tuy nhiên, hiện tại những cử nhân như Song vẫn đang trong tâm trạng tuyệt vọng. "Nếu tôi có con, tôi sẽ không bao giờ ép chúng đi học đại học giống như bố mẹ tôi đã làm với tôi. Tôi sẽ bảo chúng tìm kiếm niềm đam mê của mình trước thay vì chạy theo số đông" – cô nói - "Tuy nhiên, bây giờ chuyện kết hôn và có con là một điều xa xỉ… cho tới khi tôi tìm được việc làm". (theo VietnamNet) Tin liên quan: |